Bánh chưng trong trí nhớ

    0
    54

    Nghe đâu đây tiếng trẻ con ê a ngoài ngõ: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Kí ức bỗng ùa về xâm lấn những lo toan vụn vặt thường ngày, nhường một góc riêng dành cho nỗi nhớ về những cái Tết quây quần trong tuổi thơ.

    “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, câu đối dân gian ấy sao thật đúng với cảnh sắm Tết nhà mình ngày đó. Nhưng con đã rất trân trọng những tháng ngày đói khổ ấy, dù những món ăn ngày Tết nhà mình chỉ vỏn vẹn có dưa hành muối và một cân thịt cha đã làm thuê cho nhà người ta mấy hôm mới có được, và bánh chưng – thứ không thể thiếu trong ngày Tết.

    Bánh chưng là món mà con thích nhất. Mẹ đã từng kể cho con nghe câu chuyện cổ tích “Bánh chưng bánh dày” thật hay, không biết đã bao nhiêu lần con ngủ khi mẹ chưa kể xong câu chuyện, để rồi chính mẹ lại thao thức những ngày cha đi làm xa. Mẹ còn kể với con rằng, phải nhọc nhằn thức khuya dậy sớm lao động mới có được những hạt gạo mẩy tròn, khi nấu lên thì dẻo và thơm phức. Ngày Tết, người ta dùng những hạt gạo ấy làm bánh cũng là để tỏ lòng biết ơn với tổ tiên cha ông đã truyền cho con cháu những kinh nghiệm đáng quý.

    Buổi chiều ngày hai chín Tết, mẹ đã chuẩn bị gói bánh. Gạo và đỗ được ngâm cho mềm, công việc còn lại là rửa lá dong thật sạch sau đó hơ trên bếp cho dẻo để dễ gói hơn. Con thường được mẹ giao cho nhiệm vụ “đặc biệt” này vào mỗi độ năm hết Tết đến và năm nào cũng vậy, con chỉ biết làm mỗi công việc đó giúp mẹ. Mẹ vẫn dặn “là con gái ngoài việc học hành thì phải chịu khó học hỏi để trở thành một nữ công gia chánh, không thì nay mai có anh nào để mắt cho”. Những lúc ấy con thường đỏ mặt và trốn đi chơi loanh quanh đâu đó…

    Sáng hôm sau, mẹ dậy thật sớm chuẩn bị thịt. Thịt đem ướp với gia vị và hạt tiêu trước cho thật ngấm thì khi cho vào làm nhân bánh ăn vừa béo lại vừa bùi. Lá dong xanh được cắt lột bỏ bớt cuộng dọc sống lưng lá để lá bớt cứng sau đó mới xếp ra, kế đến là gạo, đỗ thịt, tiếp một lớp đỗ, trên cùng phủ một lớp gạo. Bao nhiêu năm, mẹ vẫn gói bánh chưng không cần dùng đến khuôn nhưng bánh vẫn đẹp và vuông vắn lắm. Thậm chí, mấy bác hàng xóm nhiều khi vẫn sang nhờ mẹ gói hộ và khen rằng mẹ gói khéo. Năm nào anh em con cũng xin mẹ gói riêng cho mỗi đứa một chiếc bánh thật nhỏ để lấy may trong năm mới. Bánh gói xong đem bỏ vào chiếc nồi thật lớn mọi ngày nhà mình vẫn dùng đựng gạo, rồi bắc lên bếp luộc đến đêm thì xong. Thường thì bánh phải luộc xong trước mười hai giờ để kịp cúng giao thừa. Nhà mình hồi đó vẫn dùng củi để luộc bánh, mấy anh em chúng con rất thích ngồi trông nồi bánh, vừa ngồi vừa kể chuyện cổ tích cho nhau nghe. Thỉnh thoảng chúng con cũng có cãi lộn để rồi cha lại tất tưởi từ trên nhà xuống, vừa tiếp nước cho bánh vừa mắng yêu hai con.

    Những kỉ niệm vui thời thơ ấu ấy sẽ là những kỷ niệm đẹp được tôi trân trọng lưu giữ. Làng quê bình yên năm xưa nay đã thay vào đó bằng các khu công nghiệp cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, cuộc sống được nâng cao, đủ đầy. Thế nhưng sự đủ đầy ấy đã khiến một số truyền thống năm xưa mất đi. Bây giờ, vào ngày Tết nhà tôi và nhiều gia đình khác vẫn có bánh chưng nhưng là bánh mua ở các siêu thị, ngoài chợ, ít gia đình giữ được truyền thống gói bánh chưng ngày Tết.■

    Huyền Trang

    BÌNH LUẬN

    Please enter your comment!
    Please enter your name here