Mậu Thân năm đó (1968), vào buổi sáng 10 ngày sau Tết Trung Thu, trời bắt đầu se lạnh, tại Hội trường gốc đa Nà Lình – một công trình kiến trúc hoàn toàn bằng tre nứa với hơn 200 chỗ ngồi do chính tay thầy trò tự dựng lên, thầy Thái Thanh Sơn thừa ủy nhiệm của Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (nay là Trường ĐHBK Hà Nội) đã công bố Quyết định của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chính thức thành lập Khoa Toán – Lý, ĐH Bách khoa
Chuẩn bị kỹ cho sự thành lập
Toán và Vật lý là 2 trong 5 bộ môn đầu tiên của Trường ĐH Bách khoa, nhưng Khoa Toán – Lý thì mãi 12 năm sau mới được chính thức thành lập. Nhà trường và các cán bộ đầu tiên của Bộ môn Toán và Bộ môn Lý đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về định hướng đào tạo là Toán học ứng dụng và Vật lý ứng dụng. Định hướng phát triển này dựa vào những ứng dụng mà hai ngành này mang lại. Chẳng hạn như Bộ môn Toán, lúc bấy giờ có một làn sóng mạnh mẽ tham gia vào nghiên cứu Toán học ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: Giao thông vận tải thời chiến, quy hoạch mạng lưới kho tàng và vận chuyển, một số đề tài được Tổng cục Hậu cần quân đội và các quân khu Hải Phòng, Quân khu 5, Quân khu 9 chính thức đề nghị tham gia thông qua Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Trong Bộ môn Toán thời đó, hình thành 2 tổ chức quan trọng: Tiểu ban hỗ trợ giảng dạy và Tiểu ban hỗ trợ nghiên cứu khoa học phục vụ thực tiễn, hoạt động rất sôi nổi và có hiệu quả. Những hoạt động trong lĩnh vực Toán học ứng dụng đó đã bước đầu mang lại cho ngành Toán ĐH Bách khoa một sắc thái riêng và có tác dụng lan tỏa trong ngành toán cả nước. Bộ môn Vật lý cũng nhận thức được tầm quan trọng của Vật lý ứng dụng nên đã đề nghị với Trường cho sinh hoạt trong tổ chức cùng Khoa Điện – Vô tuyến điện. Với sự hướng dẫn, gợi ý của thầy Tạ Quang Bửu và sự nỗ lực của một tập thể trẻ, ưu tú như các thầy Vũ Đình Cự, Nguyễn Xuân Chánh, Nguyễn Hữu Tăng, phương hướng đào tạo kỹ sư Vật lý đã bắt đầu hình thành khá rõ với 2 chuyên ngành: Vật lý chất rắn và Vật lý hạt nhân. Với sự hỗ trợ tích cực của thầy Tạ Quang Bửu, năm 1966 Bộ môn Vật lý đã báo cáo Trường trình Bộ Giáo dục được phép tuyển sinh chính thức 1 lớp kỹ sư Vật lý với chỉ tiêu là 35 sinh viên bắt đầu từ khóa 12.
Năm học 1966 – 1967, Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu đã giao cho nhóm thầy Nguyễn Đình Trí một số thông tin, tư liệu ít ỏi về đào tạo Toán ứng dụng của Trường MIT – Massachusett Institute of Technology (Mỹ) và tư liệu về Hệ đào tạo công trình số học (Toán học công trình) của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Kinh nghiệm quốc tế đã chứng tỏ khả năng và sự cần thiết về việc hình thành tổ chức đào tạo ngành Toán ứng dụng tại Trường ĐH Bách khoa là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, lực lượng cả hai ngành Toán và Vật lý lúc đó đều còn mỏng, Trường đã xây dựng đề án trình Bộ Giáo dục cho phép thành lập Khoa Toán – Lý với các ngành đào tạo: kỹ sư Toán công trình, kỹ sư Vật lý chất rắn, kỹ sư Vật lý hạt nhân. Chủ nhiệm Khoa là TS Nguyễn Đình Trí (Toán), hai Phó chủ nhiệm Khoa là Nguyễn Văn Đạo (Cơ lý huyết) và Nguyễn Xuân Chánh (Vật lý), sau đó bổ sung thêm Vũ Danh Đô (Hình họa – Vẽ kỹ thuật). Tổng phụ trách của Khoa tại khu sơ tán là Trợ lý chủ nhiệm Khoa Thầy Thái Thanh Sơn. Năm học 1968, Bộ cho phép Trường ĐH Bách khoa chính thức tuyển sinh trong toàn quốc ngành kỹ sư Vật lý – lớp Vật lý K13 và ngành Toán – lớp Toán K13 (khi ra thông báo tuyển sinh thì Khoa Toán Lý chưa có quyết định thành lập nên trong giấy báo trúng tuyển của tân sinh viên Toán, Lý ghi là thuộc Ban Khoa học cơ bản).
Khoa Toán – Lý ở núi rừng Việt Bắc
Mở đầu cho khóa học, thầy và trò Toán – Lý K12, K13 bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất nơi ăn, chốn ở và học tập ở khu sơ tán bằng chính sức lao động của mình. Về phân hiệu của Khoa, lúc đó ở Khu C – khu sơ tán thuộc 2 huyện Văn Lãng và Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn nằm ven theo sông Kỳ Cùng dọc quốc lộ số 4 có khu Hiệu bộ đóng tại Bình Độ còn các Khoa đóng rải rác: H1: Khoa Hóa – Thực phẩm ở Phiêng Mò, Pò Mận; H2: Điện – Vô tuyến điện ở Nà Lình, Bản Sl’ào và Khâu Khiu; H4: Khoa Động lực; H5: Khoa Cơ khí – Chế tạo máy đều ở mạn Na Sầm, huyện Văn Lãng; H6: Khoa Kỹ sư kinh tế ở Bản Túng và H7 là Xưởng thực tập cơ khí cũng ở Văn Lãng. (H3 là phiên hiệu của Khoa Xây dựng trước đây nay đã tách thành Trường ĐH Xây dựng). Ban đầu, Hiệu bộ định lấy phiên hiệu H3 cũ đặt cho khoa Toán – Lý, đồng thời đưa cả Khoa về địa điểm sơ tán cũ của Khoa Xây dựng tại Khâu Khiu. Sau nhiều lần trao đổi, lấy ý kiến, cuối cùng Nhà trường đồng ý cho Khoa Toán – Lý lấy phiên hiệu mới là H8 và đặt cơ sở xen lẫn với Khoa Điện – Vô tuyến điện tại Bản Sl’ào và Nà Lình. Trên thực tế, tuy H2 là cơ sở của Khoa Điện – Vô tuyến điện nhưng cán bộ, giảng viên lưu trú và làm việc, giảng dạy lâu dài ở H2 chủ yếu là thuộc Khoa Toán – Lý. Ngay khu vực “Nhà 10 gian” – ký túc xá được xây dựng lớn nhất của Trường Hà Huy Tập tại khu C cũng đã dành 8 gian cho cán bộ giảng viên Khoa Toán – Lý, chỉ có 2 gian để đón tiếp các giảng viên khoa khác thỉnh thoảng đến giảng bài trong dăm ba tuần. Sinh viên Lý-67 chuyển từ Khâu Khiu sang bờ nam sông Kỳ Cùng ở Nà Lình cùng với Lý-68, Toán-68 ở Bản Sl’ào, … vào rừng chặt nứa đốn vầu, đánh tranh xây dựng nhà ở và lớp học khang trang đẹp đẽ. Đặc biệt còn xây dựng khu nhà ở riêng cho chị em nữ sinh viên gần bến sông, rất thuận tiện cho sinh hoạt.
Học tập kinh nghiệm của các khoa khác, Khoa Toán – Lý quyết tâm xây dựng một khu nhà H – bộ thật đàng hoàng. Chỉ sau gần một tháng trên Đồi Lò Sây đã xây dựng một khu H – bộ trang nghiêm đẹp đẽ, nấp bóng (theo qui định phòng không thời chiến) dưới những bóng cây sa mu, mác mật sum suê. Đó là nơi làm việc của Tổng phụ trách H, các ban Giáo vụ, Tổ chức cán bộ, Tài vụ kế toán và cũng là trụ sở làm việc của BCH Công đoàn khoa, BCH Liên chi Đoàn TNCS và cũng là niềm tự hào của mỗi cán bộ giảng viên và sinh viên H8.
Trước mặt H – bộ cuối dốc sườn đồi thoai thoải được dựng lên một sân khấu nổi – chính là địa điểm sinh hoạt hội họp, liên hoan văn nghệ ngoài trời của toàn Khoa. Với vị trí lý tưởng nên nơi đây nhiều lần được Hiệu bộ, Công đoàn Trường, Đoàn TN và Hội Sinh viên “mượn” sử dụng. Về mặt quản lý, theo quy định Nhà trường mỗi Khoa đều phải cử một Phó chủ nhiệm khoa đặc trách khu C, trong vài tháng đầu Khoa Toán – Lý cử thầy Nguyễn Văn Đạo rồi sau đó là thầy Vũ Danh Đô làm Hiệu trưởng, thầy Thái Thanh Sơn làm Phó Hiệu trưởng. Nhưng vì lý do công tác, điều kiện sức khỏe và nhất là không quen môi trường làm việc, giao dịch khá phức tạp ở khu vực đồng bào thiểu số nên Khoa Toán – Lý đã ủy nhiệm cho thầy Thái Thanh Sơn làm Tổng phụ trách, đảm nhiệm hoàn toàn mọi mặt từ học tập đến sinh hoạt vật chất đến tinh thần cho toàn bộ H8 trong thời gian lâu dài. Vài tháng sau, Trường có chủ trương tiếp tục tuyển chọn một số sinh viên giỏi về Toán và Lý từ các Khoa khác thuộc khóa 11 – khi đó mới học xong năm thứ 2 bắt đầu sang năm thứ 3 để đào tạo bổ sung làm cán bộ giảng dạy (cho Trường ĐH Bách khoa và cung cấp cho một số trường ĐH kỹ thuật khác). Đợt này sinh viên tuyển chọn lên được biên chế thành 2 lớp Toán K11 và Lý K11. Đồng thời các Bộ môn Cơ lý thuyết, Hình học họa hình cũng có nhu cầu bổ sung cán bộ giảng dạy nên ngay tiếp sau khóa 11, Trường đã cho phép Khoa tuyển sinh viên khá Toán ở K12 lên đào tạo tiếp về Toán ứng dụng theo các lĩnh vực có liên quan, hình thành lớp Toán K12. Như vậy, sang đầu năm 1969 tại H8 có 6 lớp : Toán, Lý K11 (1966 – 1971); Toán, Lý K12 (1967 – 1972) và Toán, Lý K13 (1968- 1973) với tổng số hơn 200 sinh viên, trở thành một đơn vị khá lớn của Trường ĐH Bách khoa tại khu C. Đến cuối năm 1969, do tình hình chiến sự ở miền Bắc tương đối lắng xuống, Trường ĐHBK Hà Nội có chủ trương chuyển dần về xuôi. H8 nhận quyết định chuyển về khu đệm – khu B – ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Phiên hiệu Khu C, Trường Văn hóa Hà Huy Tập Lạng Sơn không dùng, phiên hiệu H8 của Khoa Toán Lý cũng không còn nữa.
Gần hai năm học tập tại khu C, nhưng những kỷ niệm vui và buồn không bao giờ quên được trong khoảng đời gần 2 năm ngắn ngủi đó đã hằn sâu vào ký ức của mỗi cán bộ sinh viên khoa Toán Lý và cho đến nửa thế kỷ sau vẫn còn mãi với mỗi người. H8 đã trở thành niềm tự hào chung cho mọi sinh viên khoa Toán Lý – không chỉ riêng cho cán bộ và sinh viên của Khoa các khóa 11, 12 và 13■
GS THÁI THANH SƠN
Kể từ khóa 14 Khoa Toán – Lý, sinh viên được học tập trung tại Hà Nội nhưng ngày đó trường gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện ký túc xá cho sinh viên. Khoa Toán – Lý được trường phân một vài phòng trong ký túc xá nhưng không thể đủ chỗ ở cho gần 100 sinh viên K14 Toán – Lý. Phát huy tinh thần tự lực cánh sinh của H8, Khoa đã xin trường một mảnh đất và được hỗ trợ một ít vật liệu để xây dựng. Ngày 3/9/1969, thầy Thái Thanh Sơn cùng với khối trưởng sinh viên Nguyên Thùy, dẫn hơn 100 sinh viên Toán Lý K14 lên vùng giáp ranh Lạng Sơn ở Tịnh Hồ, trên dốc sài hồ để cắt tranh và chặt nứa chặt vầu, chất lên 4 toa xe lửa chở về hà nội để tự dựng nhà ở cho mình. Trong thời gian sống ở đó gần 2 tháng anh chị em vui vẻ tự xem mình là “thành viên H8” và khi về hà nội, vào ở trong những ngôi nhà tranh tre nứa lá, với giường, chạn bàn ghế hoàn toàn do tự tay mình khai thác nguyên liệu và xây dựng nên anh chị em luôn tự hào về H8 trên đất Hà Nội của mình.