Khởi nghiệp là sàng tạo trên nền tảng tri thức!

0
146

Khởi nghiệp là câu chuyện luôn được nhiều bạn trẻ quan tâm. Họ khao khát tạo dựng được một điều gì đó cho bản thân, vừa để khẳng định chính mình vừa thể hiện sự năng động của thế hệ trẻ trong thời kì mới. Thực tế cho thấy, nhiều ý tưởng đột phá của sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường đã đi vào thị trường và bước đầu tạo dựng được thương hiệu. Thực tế này tại trường ĐHBK Hà Nội đang diễn ra như thế nào? Đặc san Bách khoa đã có cuộc trò chuyện với anh Phạm Tuấn Hiệp – giám đốc ươm tạo BK – Holdings về vấn đề này.

» Chào anh, với vai trò của một người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, khởi nghiệp, theo anh thực chất của vấn đề sáng tạo, khởi nghiệp trong môi trường đại học là gì?

Không sai khi nói rằng, các cơ sở giáo dục nói chung hay đại học nói riêng đóng vai trò tạo hạt giống khởi nghiệp, ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp… bởi chức năng cốt lõi của đại học là nghiên cứu khoa học, tạo ra những tri thức mới và đào tạo con người. Hiện nay, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, khoa học công nghệ là nền tảng để đẩy mạnh khởi nghiệp. Trường Đại học cũng là nơi tiên phong trong việc tiếp cận các thành tựu khoa học, tri thức tiên tiến của thế giới, thử nghiệm và truyền tải những kiến thức đó đến thế hệ trẻ, đưa ra các định hướng phù hợp với tiến bộ của thế giới.

Bên cạnh đó, một vai trò quan trọng khác là tạo ra hạt giống và ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp. Nhà trường có điều kiện tạo môi trường thuận lợi để sinh viên tham gia các hoạt động đổi mới, sáng tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, tạo sự kết nối giữa các nhóm nhằm hình thành các dự án khởi nghiệp. Trường đại học cần có vườn ươm trong giai đoạn đầu, để tạo cơ hội cho các nhóm khởi nghiệp hiện thực hóa ý tưởng của mình. Không gian thư viện, phòng thí nghiệm có thể trở thành không gian ươm tạo, đó chính là nơi khởi đầu cho những dự án khởi nghiệp mang tính sơ khai, thử nghiệm, nghiên cứu ban đầu.

Thêm nữa, các trường đại học là môi trường học tập và nghiên cứu, đồng thời có khả năng truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, đây là thế mạnh của ngành giáo dục và đào tạo. Trường đại học chính là chủ thể quan trọng của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, là nơi hỗ trợ, kết nối các nguồn lực để các ý tưởng kinh doanh trong sinh viên có thể phát triển vươn xa. Vì vậy các trường đại học cần tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình hỗ trợ khởi nghiệp.

» Là người đồng hành cùng hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp của sinh viên Bách khoa Hà Nội nói riêng và sinh viên các trường đại học nói chung, anh đánh giá như thế nào về tiềm năng star-up của thế hệ trẻ khi đang ngồi trên ghế nhà trường?

Ngay từ năm đầu tiên cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa được tổ chức, đã có hơn 70 ý tưởng được gửi về, điều này cho thấy tiềm năng sáng tạo của sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội là rất lớn. Hầu hết ý tưởng của các bạn đều xuất phát từ chính môi trường học tập, dựa trên nền tảng tri thức chuyên môn, hơn thế nhiều ý tưởng thực sự có tính đột phá. Cá nhân tôi, một thành viên trong Hội đồng cố vấn của Cuộc thi đã rất bất ngờ với những ý tưởng đó. Nhiều ý tưởng thực sự viễn kiến về công nghệ, ví như việc các bạn nghĩ ra ngay những giải pháp để thi công xây dựng, hoặc những robot thực hiện những công việc khó… có thể trong khuôn khổ cuộc thi hoặc thời gian ngắn không triển khai được nhưng những ý tưởng đó có cơ sở khoa học để triển khai nếu như có thể đầu tư dài hơi hơn. Bên cạnh đó, rất nhiều ý tưởng nằm sát với cuộc sống hàng ngày lại được các bạn phát hiện như những thiết bị hỗ trợ bà con nông dân canh tác hay chăn nuôi… Trong hơn 70 ý tưởng đó, cảm nhận chung của cá nhân tôi là tiềm năng sáng tạo, khởi nghiệp của các bạn sinh viên Bách khoa là vô cùng lớn và không có giới hạn nào cho sáng tạo.

Anh Phạm Tuấn Hiệp – giám đốc ươm tạo BK – Holdings

» Vậy chúng ta cần có những biện pháp nào để “kích hoạt” được tiềm năng to lớn này?

Theo đánh giá của các chuyên gia về lĩnh vực khởi nghiệp, hiện nay, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam còn non trẻ so với thế giới nhưng có nhiều tiềm năng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp một cách mạnh mẽ. Trong đó, có hàng trăm trường đại học, Viện – nơi được coi là trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp, đang hoạt động khắp cả nước. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là chúng ta đang thiếu những giải pháp căn cơ về đổi mới và sáng tạo hướng tới việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và cung cấp những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho giới trẻ. Bài học từ các quốc gia cho thấy, ý chí tự làm chủ của con người phải được tôi luyện trong hệ thống giáo dục và xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, cải cách hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học theo hướng gắn với giáo dục – đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để bản thân mỗi người hình thành ý chí tự thân lập nghiệp. Theo tôi, song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, trường đại học cần tăng cường nhiều giải pháp mới cho chương trình đào tạo. Nắm bắt xu thế đào tạo theo nhu cầu hội nhập, qua đó mỗi người trẻ là người làm chủ tương lai, bằng những ý tưởng mới, sáng tạo và táo bạo. Bên cạnh hoạt động đào tạo chính khóa tại trường, cần xây dựng các chương trình và hoạt động ngoại khóa, các sân chơi sáng tạo nhằm khích lệ tinh thần khởi nghiệp cũng như trang bị kỹ năng cho sinh viên. Cụ thể, theo tôi được biết, Trường ĐHBK Hà Nội đã chủ động tổ chức nhiều sân chơi cho sinh viên như: Hoạt động tháng sinh viên NCKH và Sáng tạo, trong đó Triển lãm sáng tạo trẻ Bách khoa luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo sinh viên và cộng đồng sáng tạo. Nhiều ý tưởng, sản phẩm được trưng bày tại triển lãm đã trở thành những đề tài “nóng” trên báo chí, qua đó nhiều nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm công nghệ nổi bật có khả năng ứng dụng cao trong đời sống thực tiễn. Bên cạnh đó, từ năm 2017, Sáng tạo trẻ Bách khoa là sân chơi dành riêng cho các bạn sinh viên dám thể hiện và khát khao chinh phục ước mơ khởi nghiệp. Đó là nơi khơi nguồn cho những ý tưởng kinh doanh thông qua các hoạt động đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng và tạo sân chơi gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Song song với hoạt động này, theo thông tin từ đơn vị phụ trách hoạt động khoa học công nghệ của Trường, hàng loạt các CLB khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên môn đã được thành lập, đây chính là cơ sở để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo để sinh viên thỏa sức phát triển ý tưởng trong môi trường học thuật chuyên ngành.

» Là người có kinh nghiệm trong hoạt động đổi mới, sáng tạo và hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp. Anh có lời khuyên nào cho các bạn sinh viên khi họ có ý tưởng start-up?

“Sẵn sàng nền tảng tri thức. Đam mê và dấn thân!” – Đó là lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ nếu muốn đi trên con đường khởi nghiệp. Có thể thời điểm này, khi các bạn đang ngồi trên ghế nhà trường, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết như ra trường “đúng hạn”, rồi bao nỗi lo toan thường nhật như phí sinh hoạt… nhưng thử nghĩ xem, các bạn đang ở giai đoạn trẻ trung, nhiệt thành và sôi nổi nhất của cuộc đời một con người, nếu không thử, không trải nghiệm và không dấn thân thì các bạn đợi đến khi nào? Có thể các bạn sẽ thấy chỉ 0,001% tỉ lệ khởi nghiệp khi là sinh viên thành công nhưng 99,99% kia các bạn ấy đã thấy được rất nhiều điều khi đi trên con đường nhiều chông gai nhưng cũng nhiều trải nghiệm kia. Bởi thế, đừng ngần ngại khi có một suy nghĩ mới, một ý tưởng mới, hãy bắt đầu với một vài người bạn có chung niềm đam mê, hay đi những bước đi đầy màu sắc trên chặng đường đệp đẽ nhất trong hành trình thanh xuân của bạn. » Cảm ơn anh đã có những chia sẻ cùng Đặc san Bách khoa Hà Nội. Chúc anh tiếp tục đồng hành cùng các bạn trẻ trong hành trình tươi đẹp của tuổi xuân.

Nguyễn Sáng
Ảnh: Kim Chi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here