Thanh xuân… “xanh” của Oanh

0
558

“Bốn năm tham gia hoạt động tình nguyện là bốn năm mình nhuộm xanh thanh xuân”, Nguyễn Hoàng Oanh – Nguyên Phó trưởng Ban Thanh niên Tình nguyện, Đoàn Thanh niên Trường ĐHBK Hà Nội chia sẻ. Cùng Đặc san Bách khoa Hà Nội tìm hiểu cô sinh viên đã “nhuộm” tuổi trẻ của mình ở Bách khoa Hà Nội như thế nào.

» Chào Oanh, một ngày của thanh niên “xanh” diễn ra như thế nào?

Một ngày của cá nhân mình nói riêng cũng như hầu hết các bạn sinh viên lựa chọn tham gia hoạt động tình nguyện nói chung diễn ra đầy màu sắc. Thời gian lên lớp để học tập vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của tất cả chúng mình. Ngoài thời gian trên giảng đường, chúng mình có những buổi họp Ban, Đội để lên kế hoạch cho chiến dịch này, chương trình kia, vào những dịp cao điểm như Tháng Thanh niên, chiến dịch Mùa hè xanh hay Tiếp sức mùa thi, thời gian của chúng mình hầu hết là ở Trường, thời gian dành cho các sở thích cá nhân, vui chơi hay tụ tập bạn bè hầu như không có, nhưng bù lại chúng mình có những kí ức tuyệt vời mà những người lựa chọn sống trong vùng an toàn của bản thân sẽ không bao giờ có được.

Đó là những buổi sáng thức dậy ở một nơi xa với tiếng chuông báo giờ tập thể dục, ăn sáng với củ khoai, cái bánh mì của Ban hậu cần chuẩn bị, họp kế hoạch triển khai công việc trong ngày, rồi khi lên đồi thu hoạch sắn giúp đồng bào, khi ra đồng gặt lúa, lúc dọn dẹp kênh mương, lúc dạy các mình thiếu nhi học bài… Buổi tối trở lại nơi tập kết với bữa cơm giản đơn, khi vừa khi nhão của những “anh nuôi” lần đầu vào bếp, rồi những bài hát, những ánh mắt nụ cười xuất hiện ngay cả trong giấc mơ. Một ngày của những thanh niên xanh sẽ nhập tràn công việc, bộn bề lo toan nhưng vẫn ánh lên màu nhiệt huyết, màu thanh xuân, màu của những tháng ngày xinh tươi rực rỡ nhất của cuộc đời một con người. Đó chính là một ngày của chúng mình, những tháng ngày… xanh.

» Lý do nào khiến Oanh lựa chọn tham gia các hoạt động tình nguyện cho hành trình thanh xuân của mình?

Mình thấy bản thân mình rất may mắn bởi ngay khi vừa bước chân vào môi trường đại học đã được đến với các hoạt động tình nguyện. Mình yêu thích tình nguyện và lựa chọn tham gia bởi nhiều lí do. Với bản tính hướng ngoại, thích trải nghiệm, mong muốn kết bạn, giao lưu với nhiều người và hướng tới việc làm thế nào để hoàn thiện bản thân. 4 năm đại học nếu chỉ đơn thuần cắp sách tới giảng đường, nghe thầy cô giảng bài, về nhà làm bài tập thì quá nhàm chán! Kiến thức được dạy cần có môi trường thực tế để vận dụng và tình nguyện là một môi trường như thế. Thực ra, trước khi trở thành sinh viên của Bách khoa Hà Nội mình đã tìm hiểu rất kĩ về chương trình học và các hoạt động ngoại khóa của Trường. Qua đó, mình được biết hoạt động tình nguyện là một trong những thế mạnh của Đoàn Thanh niên Trường. Đã có rất nhiều anh chị trưởng thành từ môi trường tình nguyện. Chính bởi những lý do đó, vậy trở thành thành viên của gia đình Tình nguyện Bách Khoa.

» Trong hành trình đó, Oanh “được” gì và “mất” gì?

Đây là câu hỏi mà bất kì sinh viên nào khi tham gia hoạt động tình nguyện cũng tự đặt ra cho mình và chính họ phải tự trả lời nếu muốn tiếp tục hay dừng bước. Đối với bản thân mình, sau bốn năm gắn bó với hoạt động tình nguyện, mình đã, đang và sẽ vẫn yêu những công việc mình và những “đồng đội” đang làm bởi chúng mình thấy so với những gì “mất” thì chúng mình “được” nhiều thứ quá! Thứ “mất” nhiều nhất là thời gian: thời gian để ôn bài, tự học bị rút ngắn lại, thời gian tụ tập bạn bè, xmình phim, tán gẫu không có, thời gian dành cho bản thân và gia đình ngắn lại. Có nhiều khi chương trình sắp diễn ra, mà còn quá nhiều công việc chưa hoàn thành, chúng mình đã biến văn phong Đoàn thành ngôi nhà thứ hai của mình. Nhiều khi cũng thèm rảnh rang, thèm thư thái, thèm thảnh thơi, để tự thưởng sau những giờ hoạt động căng thẳng, nhưng rồi công nhưng với người mình đã chọn thì mình phải có trách nhiệm với công việc.

Tuy nhiên “mất” thời gian cũng là do chúng ta sắp xếp lịch chưa khoa học, hợp lý và hoàn toàn có thể khắc phục được để nó không ảnh hưởng tới điểm số và các mối quan hệ. “Mất” thời gian, nhưng lại tiết kiệm được thời gian sau khi ra trường, trong lúc các bạn phải học, phải làm để lấy kĩ năng và kinh nghiệm thì bản thân mình đã được rèn luyện và thực hành suốt 4 năm.

Có rất nhiều bạn cho rằng, tình nguyện là chỉ làm những công việc tay chân, theo mình đây là một quan niệm sai lầm. Hoạt động tình nguyện có rất nhiều mảng, và trải nghiệm của bản thân mình cho thấy, mình đã có được những kĩ năng quan trọng: tham gia tổ chức các chương trình mình có được kĩ năng viết đề án, giao tiếp, thuyết trình, nói trước đám đông; tham gia mùa hè tình nguyện mình có kĩ năng hoạt náo, xử lí tình huống, được quen nhiều bạn, được các anh chị chia sẻ kinh nghiệm…

» Và Oanh nhớ nhất điều gì khi sắp đi qua quãng thời gian xanh ấy?

Kỉ niệm đáng nhớ nhất đối với mình có lẽ là lần tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi 2015. Mình có những cái “đầu tiên” trong cuộc đời sinh viên: lần đầu ở KTX, lần đầu ăn cơm canteen suốt 3 ngày, lần đầu chịu cái nóng 40 độ chỉ với vài cái quạt con trong khi phòng có 10 người, lần đầu đứng nhiều như thế,… Và qua những “lần đầu” này mình thấy được giới hạn bản thân, có những việc không phải mình không thể làm mà là mình chưa từng thử, chưa từng cố làm.

Được góp sức mình giúp các mình thí sinh có được một mùa thi an toàn, hiệu quả, mình rất vui, mọi hi sinh đều xứng đáng. Có những lựa chọn mình rất tự hào mà chưa từng hối hận, ví như việc “dành cả thanh xuân cho tình nguyện”. Với mình nhờ có Thanh xuân “xanh” mà con đường Trưởng thành phía trước có thể sẽ rất rực rỡ!

Cảm ơn Oanh đã chia sẻ về hành trình xanh của mình, chúc em tiếp tục có những khoảng thời gian tươi đẹp phía trước! ■

SÁNG NGUYỄN
ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here