Tiến sĩ vật lí Bách khoa rời nước Mỹ, khởi nghiệp tại quê nhà

0
752

Vượt tiến độ làm Tiến sĩ chỉ bằng một nửa thời gian so với các bạn thường học tại Mỹ, chàng trai gốc Hải Dương sau hơn ba năm nghiên cứu học tập tại trường đại học Floria State nhận ra rằng mình cần phải về quê hương để khởi nghiệp các dự án công nghệ cao nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng bằng những tri thức học hỏi được từ những nước tiến bộ.

“Tôi ước mơ du học ở các nước tiên tiến để nghiên cứu các công nghệ mới. Sau khi hoàn thành được điều đó, nhiều người chọn phương án an toàn là làm việc tại nước ngoài nhưng tôi mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc phát triển ứng dụng kỹ thuật cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao kế cận ở Việt Nam. Trước mắt, vẫn còn nhiều điều tôi phải làm khi quyết định trở về làm theo chuyên môn và lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh”. Anh Đỗ Hữu Quyết (34 tuổi, cựu sinh viên K47 Kỹ sư tài năng, chuyên ngành Vật liệu điện tử thuộc Viện Vật lý kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện là người giúp sáng lập của hai startup về xử lý nước ô nhiễm và kem tản nhiệt) đã chia sẻ như vậy. Vóc dáng thư sinh trong chiếc áo sơ mi trắng, đôi mắt sáng lên mỗi khi nói về vật liệu điện tử và công nghệ nano là những gì anh Quyết tạo ấn tượng cho người phỏng vấn. Lần lượt qua từng câu chuyện, anh Quyết kể lại mối duyên của mình những nghiên cứu về vật liệu và công nghệ xử lý nước nhiễm mặn.

“Theo đuổi” những đam mê

Xuất phát từ việc thích những làn điệu dân ca miền Tây cũng như yêu vẻ đẹp của quê hương đất nước, cách đây 4 năm, từ một tiến sĩ với nhiều cơ hội việc làm tại Mỹ, anh Quyết “hồi hương” mang theo các ý tưởng mới mẻ về kế hoạch phát triển các loạt vật liệu tương lai và ứng dụng công nghệ nano trong xử lý các vấn đề môi trường.

Ban đầu, anh Quyết làm việc với vị trí chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu triển khai thuộc Ban Quản lý khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, nơi thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, công nghệ mới. Không chịu ngồi yên, anh bắt tay xây dựng hai dự án khời nghiệp.

Phát triển từ đầu năm 2018, dự án xử lý nước nhiễm mặn của anh xuất phát từ thực tiễn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng bị xâm nhập mặn nghiêm trọng, hậu quả dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm. Đặc biệt, năm 2016, các tỉnh miền Nam bị hạn hán dẫn đến nhiều hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh nảy ra ý tưởng cần phải phát triển một thiết bị xử lý nước dựa trên nền tảng công nghệ siêu hấp thu sử dụng các vật liệu nano bền, có thể “biến” nguồn nước bị nhiễm độc thành nước sạch uống trực tiếp phục vụ người dân.

Lần đầu tiên nghe anh giới thiệu về dự án, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng “chi” tiền giúp sức. Thấy vậy, anh mạnh dạn đẩy mạnh nghiên cứu trong nửa năm trời. Kết quả là bây giờ, một số hộ gia đình đã được sử dụng nguồn nước sạch thay thế. Dự án này mặc dù đang trong giai đoạn thử nghiệm đến cuối năm nay mới thương mại hóa nhưng đã nhận được đánh giá rất cao từ một số chuyên gia Bộ Quốc phòng Việt Nam. “Điều tự hào nhất về dự án “Trải qua thử thách, tôi mới thấy trưởng thành từ những khó khăn là một món quà. Nó dạy tôi không được lùi bước và phải vượt qua bằng năng lực của mình. Nhờ vậy, tôi biết cách giải quyết mọi việc dễ dàng hơn khi về nước. So với Mỹ, tôi thấy làm việc ở Việt Nam thực sự là thiên đường”. là chúng tôi có thể sản xuất một sản phẩm made in Việt Nam với giá thành rẻ (dao động từ 10-15 triệu đồng) chỉ bằng 1/5 so với công nghệ hiện tại lên đến hơn 60 triệu đồng. Điều này có thể tạo điều kiện cho hầu hết các gia dình có thể mua được sản phẩm khi chỉ mất một chút chi phí nhỏ để xử lý nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu thiết yếu” – Anh Quyết hào hứng nói. Trong khi đó, dự án startup thứ hai thiên về vật liệu tản nhiệt trong đèn LED và CPU máy tính. Đây là loại vật liệu mới ứng dụng để cải tiến nâng cao hiệu quả tản nhiệt, giúp kéo dài tuổi thọ, tăng hiệu suất và công suất phát quang của LED, nâng cao tốc độ hoạt động của CPU cũng như các linh kiện điện tử công suất khác. Công nghệ này đã và đang được kiểm định tại các công ty đèn LED lớn như Công ty APT; Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông…

Lỗi hẹn với nước Mỹ… Việt Nam là thiên đường

Cách đây 16 năm, anh đặt bút lựa chọn con đường đặc biệt khi đăng ký vào Ngành Vật liệu điện tử (nay là CTĐTTN Công nghệ Nano và Quang điện tử) với suy nghĩ “ngành này chứa đựng nhiều điều kì bí bên trong”. 27 điểm, thi đỗ Kỹ sư tài năng Viện Vật lý kỹ thuật, Trường ĐHBK Hà Nội, anh Quyết cặm cụi đèn sách học tập và nghiên cứu. “Tôi cảm thấy mình may mắn khi tích lũy được nhiều kiến thức nền tảng cơ bản, cũng như được các thầy cô Bách khoa tạo điều kiện nghiên cứu, thực hành thí nghiệm” – Anh Quyết cho hay.

Công nghệ phát triển không ngừng, anh Quyết bắt đầu muốn tìm tòi học hỏi nhiều hơn ở các doanh nghiệp. Đầu năm học thứ ba, anh xuất sắc đứng thứ 8 trên 100 sinh viên được tuyển dụng vào chi nhánh của công ty thiết kế vi mạch “có tiếng” của Mỹ tại Việt Nam. “Tôi nhận việc theo hình thức vừa được đào tạo vừa làm bán thời gian. Thời điểm đó, tôi đắn đo trước lựa chọn có nên thôi học nhưng Giám đốc đã khuyên tôi nên hoàn thành đầy đủ chương trình ở Bách khoa rồi đi làm cũng chưa muộn” – Anh Quyết kể lại. Trải qua 5 năm cần mẫn trong môi trường học thuật, anh nhận được học bổng đi học tại Trường ĐH Quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc (thạc sĩ ngành Vật liệu điện tử) và có nhiều bài báo quốc tế công bố trên các tạp chí uy tín thế giới. Anh chia sẻ nhờ những năm tháng nỗ lực không mệt mỏi, anh đã hoàn thành ước mơ thời sinh viên là tiếp tục có cơ hội sang du học tại nước Mỹ. Đây là một trong những khoảnh khắc tự hào trong cuộc đời của anh.

Tuy nhiên cuộc sống không chỉ là những chuỗi may mắn thuận lợi. Sự khắc nghiệt trong môi trường học thuật khiến nhiều người bạn của anh phải bỏ dở giữa chừng. Anh kể “Trong nhóm 6 bạn cùng khóa, có đến 5 bạn chuyển trường. Ngoài ra hơn một nửa trong tổng số nghiên cứu sinh phải bỏ ngang giữa chừng. Làm tiến sĩ ở Mỹ vừa dài vừa khó. Những năm đầu học tập tại đây, chúng tôi rất vui nhưng sau đó là năm tháng đầy áp lực”.

Cuối cùng bằng phương pháp khoa học của mình, anh Quyết đã vượt qua hoàn cảnh, thậm chí còn hoàn thành luận án TS sớm một nửa thời gian trung bình là 3,5 năm so với 7 năm như mọi người. Mặc dù thời gian làm TS tốt nhưng anh lại không có đủ thời gian chuẩn bị tốt mạng lưới mối quan hệ (networking) để tìm việc, hơn nữa các công việc khác tìm được, anh cảm thấy không xứng dáng. Sau khi tốt nghiệp 8 trên 10 người sẽ lựa chọn ở lại để tìm việc hoặc làm giảng viên. Anh lại có lựa chọn riêng là trở về quê hương làm việc và cảm thấy rất vui và hồ hởi với quyết định của bản thân.

Thích làm điều “khác biệt”

Với TS Đỗ Hữu Quyết, khởi nghiệp là bạn phải có ý tưởng sáng tạo về công nghệ hay thị trường, tìm ra những lợi thế của mình và khám phá những điều mới mẻ mà người khác không có thì doanh nghiệp mới phát triển lên được. Suy nghĩ đó đã khiến TS Đỗ Hữu Quyết nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà đầu tư và minh chứng là hai startup do anh thực hiện bước đầu đã được cộng đồng đón nhận bởi giá trị thiết thực.

Anh ấp ủ nhiều dự định cho tương lai: phát triển doanh nghiệp của mình ổn định, cũng như tạo lập các startup và triển khai các nghiên cứu mang tính đột phá và công nghệ cao hơn nữa. Đặc biệt, anh chú trọng vào việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, những người trẻ tài năng – thế hệ kế cận tiếp theo. Anh cho biết: “Trung tâm nghiên cứu triển khai nơi anh làm việc hàng năm thu hút và đào tạo các sinh viên tham gia cùng nhóm nghiên cứu để phát triển sản phẩm”.

Có một câu tôi đã từng hỏi anh “Là một nhà khoa học cũng là doanh nhân, vậy anh quan niệm thế nào về thành công?”. Câu trả lời của anh Quyết lúc đó dường như cũng là công thức thành công có thể áp dụng cho nhiều người: Làm những việc có ý nghĩa lớn và khác biệt, mở lòng cho chính mình được làm những điều mình yêu thích và luôn cảm thấy tràn đầy cảm hứng và năng lượng. Với TS Đỗ Hữu Quyết, anh luôn tràn đấy hi vọng vào tương lai, bởi anh tin vào những điều tốt đẹp phía trước.

Câu chuyện của anh – đam mê gây dựng doanh nghiệp startup với ước mơ phát triển công nghệ cao tại quê hương – là một minh chứng về khả năng và khát vọng của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay. ■

Hoàng Anh
Ảnh: Mạnh Tuấn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here