Trường ĐHBK Hà Nội đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ Hóa dược

0
247

Có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống, trong những năm gần đây, ngành Công nghệ Hóa dược (CNHD) luôn là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh và học sinh trung học phổ thông. Đây là một ngành công nghiệp kỹ thuật cao, lại mang tính chất đa ngành và đang phát triển không ngừng nên cơ hội phát triển nghề nghiệp cho những kỹ sư ngành Hóa dược hết sức rộng lớn. Để có thêm thông tin chi tiết về ngành học đầy hấp dẫn này, phóng viên Đặc san Bách khoa đã có cuộc trao đổi với PGS Hoàng Xuân Tiến – Trưởng Bộ môn Công nghệ hóa dược và Bảo vệ thực vật (CNHD&BVTV), Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐHBK Hà Nội

» Được biết, năm 2018 là năm đầu tiên Trường ĐHBK Hà Nội tuyển sinh Chương trình đào tạo tài năng ngành Kỹ thuật hóa học – định hướng Công nghệ Hóa dược trên cơ sở ngành phát triển ngành CNHD&BVTV đã có truyền thống gần 20 năm, vậy xuất phát đâu mà Trường lại xây dựng chương trình này, thưa PGS?

Ngành Kỹ thuật hóa học – định hướng Công nghệ hóa dược đã được đào tạo cách đây 17 năm tại Trường ĐHBK Hà Nội. Xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, chưa có bất kỳ một cơ sở đại học nào trong nước đào tạo kỹ sư chuyên ngành Hóa dược cũng như Hóa chất BVTV. Ngành công nghiệp hóa dược thiếu hẳn một đội ngũ kỹ sư công nghệ để sản xuất nguyên liệu làm thuốc. Năm 2001, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép Trường ĐHBK Hà Nội mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư CNHD và Hóa chất BVTV. Ngày 22/8/2006, Trường ĐHBK Hà Nội quyết định thành lập Bộ môn CNHD&BVTV trực thuộc Khoa Công nghệ Hóa học (nay là Viện Kỹ thuật Hóa học). Đây là nơi đầu tiên trong nước đào tạo kỹ sư CNHD&BVTV. Đến nay, Bộ môn đã đào tạo được 13 khóa, với hàng trăm kỹ sư ra trường, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền công nghiệp dược và các ngành kinh tế khác.

Trong cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi của rất nhiều ngành nghề, tư duy làm việc cũng như sắp xếp lao động. Xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi rất lớn của thực tiễn về nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, Trường ĐHBK Hà Nội đã xây dựng và phát triển Chương trình đào tạo tài năng, ngành Kỹ thuật hóa học – định hướng CNHD.

» CNHD là một trong những ngành thuộc Dự án ELiTECH của Trường nhằm hướng đến những sinh viên ưu tú có nguyện vọng trở thành kỹ sư, chuyên gia, quản lý giỏi. Vì vậy, để đáp ứng với yêu của cuộc CMCN 4.0, Chương trình đào tạo có những đổi mới gì thưa PGS?

Để đào tạo một thế hệ trẻ có tài năng, tham gia vào lực lượng lao động có chất lượng cao mang tính toàn cầu, Bộ môn đã xây dựng chương trình học dựa trên kinh nghiệm và sự thành công của một số trường đại học có uy tín trên thế giới đã và đang đào tạo chuyên ngành này. Thay vì sinh viên đang học hệ kỹ sư 5 năm, chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo đại học hệ 4 năm, rồi tiếp tục đào tạo thẳng lên sau đại học. Chương trình đào tạo được bổ sung, cập nhật thêm nhiều môn học mang tính ứng dụng cao, tiệm cận với xu hướng mới của thế giới. Nhiều môn học được dạy bằng tiếng Anh để sinh viên có cơ hội trau dồi, nâng cao trình độ ngoại ngữ, dễ dàng thích ứng với các loại hình công việc mang yếu tố nước ngoài.

Ngoài ra, chương trình đào tạo còn có sự phối hợp giảng dạy của các giáo sư nước ngoài. Trong những năm gần đây, Viện Kỹ thuật Hóa học hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn ở nước ngoài như Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Úc, Đài Loan… Nhờ vậy, sinh viên có cơ hội nhận học bổng, trao đổi học thuật, thực tập ở các nước tiên tiến trên thế giới.

» Sinh viên theo học ngành này được trang bị những kiến thức, kỹ năng gì? Cơ hội việc làm ra sao, thưa PGS?

Theo học chuyên ngành CNHD, sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản nhất của hóa dược đại cương, các quá trình chiết tách, tổng hợp, bán tổng hợp hóa dược, áp dụng công nghệ sinh học trong hóa dược để điều chế ra các hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học cao phục vụ điều chế các loại thuốc chữa bệnh; các nguyên tắc thiết kế thuốc, xây dựng dây chuyền công nghệ sản xuất hoạt chất cũng như sản xuất thuốc cùng cách tính toán tối ưu cho các quá trình này. Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị các kỹ năng thực hành bằng các bài thí nghiệm điều chế cụ thế các hoạt chất làm thuốc, được tham gia nghiên cứu khoa học theo nguyện vọng; thực tập ở các viện nghiên cứu, các nhà máy sản xuất hóa chất phục vụ cho ngành công nghiệp dược. Trong quá trình theo học chuyên ngành, sinh viên được khuyến khích nêu các vấn đề để cùng thảo luận, phát huy tối đa tính chủ động sáng tạo để thể hiện bản thân, được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia vào các đề tại nghiên cứu khoa học mang tính thực tiến cao.

Theo thống kê của Bộ môn, 100% sinh viên ngành CNHD&BVTV có việc làm sau một năm tốt nghiệp với mức lương khởi điểm phổ biến từ 15 triệu đồng/tháng. Tính đến thời điểm hiện tại, 13 khóa kỹ sư CNHD&BVTV ra trường hầu hết đều tìm được việc làm phù hợp như: Kỹ sư thiết kế, chế tạo, vận hành và xử lý công nghệ tại các công ty, nhà máy thuộc các tập đoàn kinh tế, công nghiệp quốc gia, tư nhân, đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực Dược phẩm, Hóa chất bảo vệ thực vật, Hợp chất thiên nhiên, Hương liệu, Mỹ phẩm, Hóa sinh; hoặc có thể làm giảng viên các trường đại học; làm cán bộ nghiên cứu tại các Viện nghiên cứu chuyên ngành; nhiều người có đủ năng lực và kinh nghiệm thành lập và quản lý công ty riêng theo từng lĩnh vực mà mình đã làm chủ.

Ngoài ra, để hỗ trợ các sinh viên khóa sau, đặc biệt là hỗ trợ việc làm cho những sinh viên vừa tốt nghiệp, Bộ môn đã thành lập Hội Cựu sinh viên ngành CNHD& BVTV. Hội sẽ là nơi chia sẻ kinh nghiệm, mở ra môi trường giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống.

» PGS đánh giá như thế nào về nhu cầu nhân lực cũng như triển vọng việc làm của ngành Công nghệ Hóa dược trong tương lai?

Ở Việt Nam, có đến 90% hóa chất cho công nghiệp hóa dược phải nhập khẩu từ nước ngoài, nguyên liệu sản xuất dược phẩm trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sử dụng. Theo số liệu và báo cáo của ngành dược và Bộ Y tế thì các công ty dược Việt Nam chủ yếu thực hiện bào chế gia công, còn hầu như các nguyên liệu hóa dược đều phải nhập ngoại với tỷ lệ khá cao. Những vấn đề trên đã mở ra cơ hội đồng thời cũng là thách thức cho công tác đào tạo kỹ sư CNHD. Chính vì vậy, ngành hóa dược trở thành một trong những ngành đang được chú trọng đầu tư, đẩy mạnh phát triển trong công tác đào tạo. Nhà nước đang có các chính sách phát triển ngành CNHD, các dự án được mở ra là một cơ hội tốt để các bạn sinh viên ra trường có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Cách đây gần 20 năm, không có một cơ sở đại học nào trong nước đào tạo chuyên ngành CNHD đã tạo ra một lỗ hổng rất lớn về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Phần lớn các hoạt chất làm thuốc lại do các nhà hóa dược tạo ra. Ngành công nghiệp dược đang phát triển mạnh mẽ bằng sự đầu tư sản xuất, cùng với xu hướng ứng dụng các kỹ thuật cao vào y tế nên cơ hội việc làm của kỹ sư ngành CNHD trong tương lai sẽ vẫn là một trong những ngành “hot” và hấp dẫn.

Trường ĐHBK Hà Nội là cơ sở đại học đầu tiên và có truyền thống gần 20 năm đào tạo ngành CNHD nên tôi tin tưởng rằng với sự đổi mới, xây dựng Chương trình đào tài năng ngành CNHD sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

» Xin cảm ơn PGS về những chia sẻ trên! ■

VŨ THƠM

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here