Là một ngành tác động chung đến nền kinh tế và ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành khác, Điện tử – Viễn thông (ĐT–VT) đang đóng góp vai trò quan trọng, tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, ngành ĐT–VT ngày càng thu hút các bạn trẻ đam mê khoa học công nghệ và là một trong những ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn nhất hiện nay.

Vai trò của ngành ĐT-VT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Theo PGS Nguyễn Hữu Thanh – Viện trưởng ĐT-VT: Ngành ĐT-VT là ngành gồm hai lĩnh vực chính: Điện tử với việc thiết kế các mạch điện tử, vi mạch, linh kiện điện tử và áp dụng chúng để phát triển các hệ thống điện tử sử dụng trong mọi mặt của đời sống, từ các hệ thống điện tử trong công nghiệp, hàng không, y tế cũng như hệ thống dân dụng. Viễn thông chuyên phát triển các hệ thống truyền thông bao gồm các hệ thống thu và phát để truyền thông tin qua một khoảng cách lớn, trong các môi trường truyền dẫn khác nhau. Các hệ thống truyền thông điển hình là điện thoại, mạng internet, hệ thống thông tin vệ tinh, các mạng cảm biến, hệ thống kết nối các thực thể vật lý trong internet vạn vật…

Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngành ĐT–VT được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Nhu cầu về trao đổi thông tin trong xã hội tri thức ngày càng trở nên quan trọng, tất cả mọi công việc đều phải giải quyết dựa trên cơ sở các quá trình trao đổi thông tin nhiều chiều, nhiều nguồn, từ hình thức trao đổi qua giọng nói (điện thoại), cho đến trao đổi dữ liệu, âm thanh và hình ảnh (video conference). Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng và truyền dữ liệu của con người cũng không ngừng tăng cao. Bằng việc sử dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến theo nhiều phương thức khác nhau, ngành ĐT– VT đã làm thay mọi mặt của cuộc sống, hiện thực hóa khả năng liên kết của mỗi người, mỗi quốc gia.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Trong cuộc cách mạng này, ngành ĐT–VT cũng như Công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò quan trọng. Các yếu tố của thế giới số trong cách mạng công nghiệp 4.0 là:

Trí tuệ nhân tạo (AI): Là ngành khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh. Dữ liệu lớn (Big Data) và Khoa học dữ liệu (Data Science): bao gồm các công nghệ xử lí tập dữ liệu lớn và phức tạp mà các ứng dụng truyền thông không xử lí được. Internet vạn vật (IOT): mạng internet được sử dụng như một mạng toàn cầu kết nối các thiết bị công nghệ, trở thành một công cụ đóng vai trò tạo thành các dịch vụ, ứng dụng tiên tiến. “Các yếu tố trên đều dựa trên nền tảng công nghệ của ngành ĐT–VT và CNTT. Đây là hai ngành kỹ thuật mũi nhọn cho phép tạo ra cơ sở hạ tầng kết nối, trao đổi, thu thập, lưu trữ và xử lý nguồn thông tin khổng lồ của thế giới số và tạo ra các giá trị mới trong chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm. ĐT–VT có xu hướng tập trung vào cơ sở hạ tầng truyền thông cũng như các thiết bị phần cứng còn CNTT tập trung vào phần mềm và ứng dụng, hai ngành này hiện nay có xu hướng hội tụ và không còn ranh giới rõ rệt” – PGS Nguyễn Hữu Thanh cho biết.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành ĐT–VT

Nếu các cuộc cánh mạng công nghiệp trước đây chủ yếu tạo ra sự phân chia cơ cấu lực lượng lao động xã hội theo các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo cơ sở đưa đến một loại hình phân chia cơ cấu nhân lực mới với hai thành phần cơ bản: (1) nhân lực thừa hành (hành chính; vận chuyển, bảo trì; sản xuất theo dây chuyền); và (2) nhân lực sáng tạo (nhà sáng chế, thiết kế; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thử nghiệm; sáng tạo nghệ thuật). Cơ cấu ngành nghề sẽ có những thay đổi căn bản. Các ngành nghề truyền thống sẽ dần bị xóa nhòa và được thay thế bằng các ngành có tính tích hợp, liên ngành cao như Khoa học vật liệu, Điện – Điện tử Viễn thông – Công nghệ thông tin và truyền thông, Cơ – điện tử, Công nghệ môi trường. Thị trường lao động trong tương lai sẽ ngày càng hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh kiến thức chuyên môn, kỹ sư ngành ĐT–VT cần trang bị các kỹ năng mềm và năng lực sáng tạo để có thể làm việc trong các doanh nghiệp liên tục đổi mới nhằm đưa ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao với hàm lượng tri thức lớn.

          Các sản phẩm vi mạch của nhóm nghiên cứu khoa học BKIC

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong những năm gần đây, Viện ĐT–VT, Trường ĐHBK Hà Nội đã chủ động đổi mới mô hình, chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và toàn diện, giúp sinh viên nắm vững kiến thức cơ bản và cơ sở ngành, nâng cao khả năng tự học, tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng sống. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, đối tác nước ngoài cũng là giải pháp được Viện ĐT–VT thực hiện với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.

Nắm chắc kiến thức chuyên môn, sinh viên tốt nghiệp ngành ĐT–VT dễ dàng tìm được việc làm tại các công ty sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm điện tử, nhà cung cấp dịch vụ internet, công ty viễn thông truyền số liệu, công ty thông tin di động, truyền thông vệ tinh, công ty tư vấn giải pháp và kinh doanh dịch vụ ĐT–VT … Theo khảo sát của Viện ĐT-VT, sau 3 tháng tốt nghiệp có trên 90% sinh viên có việc làm hoặc học tiếp ở các bậc cao hơn với phổ lương từ 6-20 triệu đồng/tháng.

Có thể nói, ngành ĐT-VT đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết. Là trường đại học khoa học kỹ thuật hàng đầu của đất nước, Trường ĐHBK Hà Nội luôn chú trọng trang bị cho sinh viên ngành ĐT–VT kỹ năng thiết kế hệ thống, phân tích, làm việc nhóm, tương tác, hòa nhập và đặc biệt là khả năng học tập suốt đời bắt kịp và thích nghi với sự thay đổi cực kỳ nhanh chóng của khoa học công nghệ.

Nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội, Trường ĐHBK Hà Nội đã mở chương trình đào tạo tinh hoa ELITECH. Đây là chương trình được thiết kế dành cho các sinh viên ưu tú với mong muốn trở thành các chuyên gia giỏi, những nhà quản lý xuất sắc. ĐT – VT có ba chuyên ngành nằm trong chương trình này gồm: Chương trình đào tạo tài năng ĐT – VT, Chương trình tiên tiến Kỹ thuật Y sinh và Chương trình tiên tiến Điện tử – Viễn thông. Các chương trình này đều có thỏa thuận hợp tác hoặc thỏa thuận công nhận tín chỉ với một số trường đại học danh tiếng trên thế giới như: Đại học bang San Jose, Đại học Wisconsin ở Madison (Hoa Kỳ), Telecom ParisTech (Pháp). Trong đó, chương trình tiên tiến Kỹ thuật Y sinh đã đạt tiêu chuẩn kiểm định của AUN-QA (Tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo của các trường đại học khu vực Đông Nam Á).

Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here