Người Bách khoa vẫn thường nói với nhau rằng họ có một thứ mà những người không học ở Bách khoa sẽ không bao giờ có được đó là “chất Bách khoa”. Vậy chất Bách khoa của những “người Bách khoa” là gì? Cùng Đặc san Bách khoa khám phá điều này qua góc nhìn của những người đã trưởng thành từ môi trường Bách khoa Hà Nội.

CẨN THẬN, KIÊN TRÌ

“Cẩn thận, tỉ mỉ và kiên trì”, là yếu tố đầu tiên được kỹ sư Vương Việt Phương – cựu sinh viên K42 ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa – Viện Điện, hiện đang công tác tại Công ty TNHH Emerson Network Power (nay là Vertiv) nhắc đến khi đề cập đến “chất Bách khoa” đang hiện hữu trong mình. “Quá trình học tập tại Bách khoa là quá trình chuyển đổi những cậu học trò cấp 3 “giỏi Toán, Lý” thành những sinh viên “chưa biết gì” để biến họ thành những người “biết hết”. Những ngày đầu nhập học, tôi cũng như những anh chàng tân sinh viên khác đã vỗ ngực tự hào là những người giỏi nhất, xuất sắc nhất mới đỗ được Bách khoa. Nhưng chỉ qua một kỳ, toàn bộ niềm tự hào kia đã biến đâu mất hết, chỉ còn lại những hoang mang, ngơ ngác là sao học Bách khoa lại nặng đến thế. Thế là từ những cậu chàng lười nhác, qua năm năm học, chúng tôi biến thành những “chú ong thợ”, ngày ngày cần mẫn nghiên cứu tài liệu, hoàn thành bài tập lớn này đến đồ án kia, những bản vẽ kỹ thuật cần chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất, nhiều lần chỉ cần sai một nét vẽ là tất cả những cố gắng đều đổ sông đổ bể cả.

Sau này khi đã tốt nghiệp, tham gia vào những môi trường làm việc mới, chúng tôi vẫn giữ được những kỹ năng cẩn thận, tỉ mỉ và kiên trì được rèn luyện trong quãng thời gian học tập tại Bách khoa Hà Nội. Hơn hết, chúng tôi hiểu rằng chính khoảng thời gian thực sự gồng mình để hoàn thành tất cả các môn học và áp lực mà Bách khoa mang đến đã cho chúng tôi những tố chất tuyệt vời để có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

SIÊNG NĂNG, TẬN TÂM VỚI CÔNG VIỆC

“Nhắc đến kỹ sư các ngành kỹ thuật có thể nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những người suốt ngày tay cầm tuốc nơ vít, máy khoan, máy hàn… mặt mũi lem luốc miệt mài làm từng công đoạn để hoàn thiện những sản phẩm, máy móc, thiết bị phục vụ đời sống, sản xuất, khai thác. Yếu tố cần thiết nhất của một những người này chính là siêng năng và tận tâm. Và cá nhân tôi cũng như phần đông những kỹ sư tốt nghiệp từ Trường ĐHBK Hà Nội thật may mắn đã được rèn luyện tính chăm chỉ và tận tâm từ những năm tháng miệt mài sách vở hay những buổi tối thực hành dưới xưởng” – cựu sinh viên Võ Trí Nghĩa – Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Tôn mạ VNSteel Thăng Long, cựu sinh viên K41 ngành Kỹ thuật vật liệu kim loại, Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu chia sẻ.

Anh Vũ Đức Tuấn – Trưởng phòng Dự án, Công ty TNHH Thiết Bị Hóa Chất Nakagawa Việt Nam, cựu sinh viên K48, Công nghệ Kỹ thuật hóa học, Viện Kỹ thuật hóa học lại có cách nhìn khác về tố chất này của những người Bách khoa: “Khách quan mà nhận xét là nếu đã là sinh viên Bách khoa và có quyết tâm ra trường đúng hạn thì đương nhiên các bạn phải siêng năng, chăm chỉ. Bởi với áp lực học tập căng thẳng và khá nặng khiến sinh viên Bách khoa không thể lười biếng. Từ những môn học đại cương của năm học đầu tiên đến khối bài tập, đồ án môn học đồ sộ của những năm học tiếp theo đã rèn luyện cho những kỹ sư tốt nghiệp từ Bách khoa Hà Nội tính cách tận tụy và chăm chỉ. Sau này khi tham gia vào thị trường lao động, đây cũng là một trong những yếu tố được nhà tuyển dụng đánh giá cao”.

TƯ DUY LOGIC, SÁNG TẠO VÀ ĐAM MÊ KHOA HỌC

“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”, câu nói này hoàn toàn đúng với mọi ngành nghề. Càng quan trọng hơn với những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Có một yếu tố mà ai đã từng “mài đũng quần” trên ghế của giảng đường Bách khoa đều biết, đó là Bách khoa đã tạo ra môi trường đậm chất khoa học, kỹ thuật, nơi các bạn sinh viên thỏa sức đam mê nghiên cứu và sáng tạo. Cựu sinh viên Đặng Thế Thái Hoàn – Kỹ sư mạng lõi, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel, K43, Viện Điện tử Viễn thông khẳng định: “Có một đặc điểm “hơn người” của sinh viên Bách khoa đó chính là khả năng nghiên cứu, luôn tìm tòi, sáng tạo, áp dụng kiến thức vào cải tiến khoa học, kỹ thuật tại các đơn vị tham gia công tác. Đó chính là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của chất lượng công việc”.

Đối với Đặng Vũ Hiệp – Công ty Samsung Electronics Việt Nam, cựu sinh viên K53, ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, Viện Cơ khí thì: “Công tác trong môi trường luôn đòi hỏi sự sáng tạo, cá nhân tôi cũng như đông đảo đội ngũ kỹ sư tốt nghiệp từ Bách khoa Hà Nội luôn được đánh giá cao bởi khả năng nghiên cứu độc lập, đặc biệt là tình yêu bất tận với khoa học. Chính quãng thời gian ăn ngủ, miệt mài trên phòng thí nghiệm, tháo lắp linh kiện và trăn trở với những đề tài nghiên cứu cùng các thầy, cô đã tôi luyện nên một thứ được gọi là “chất Bách khoa””.

TINH THẦN HỢP TÁC, KHẢ NĂNG LÀM VIỆC NHÓM VÀ CHỊU ÁP LỰC CAO

Khoa học, kỹ thuật nói chung là ngành có khối lượng công việc nhiều cùng sự phức tạp cao, đòi hỏi sự chung sức của nhiều người. Những người tham gia dự án, bên cạnh năng lực làm việc độc lập, phải có khả năng làm việc theo nhóm, thực hiện tốt phần công việc của mình, góp phần hoàn thành công việc chung. Chính vì vậy, tinh thần tập thể và chịu áp lực lớn rất quan trọng. Và thương hiệu kỹ sư Bách khoa Hà Nội đủ đảm bảo để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe đó.

Hoàng Văn Lợi – Quản lý dự án, Công ty Samsung Electronics Việt Nam, cựu sinh viên K48, ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa cho biết: “Ở vị trí công tác hiện tại đòi hỏi mình phải xử lý khối lượng công việc rất lớn với áp lực công việc, thời gian vô cùng căng thẳng. Nhưng mình cùng các cộng sự (phần lớn là kỹ sư từ Bách khoa Hà Nội) vẫn có thể cân đối và hoàn thành tốt mọi việc. Cá nhân mình nghĩ, chỉ cần áp dụng đúng, đủ như thời gian biểu mình vẫn áp dụng trong thời gian là sinh viên là đủ. Bởi quãng thời gian đó đối với mình cũng có những áp lực tương tự như hiện tại. Chỉ có một yếu tố khác biệt đó là thời gian đó áp lực để hoàn thành bài vở và ra trường đúng hạn còn hiện tại là để kiếm tiền (cười)”.

Sáng Nguyễn
Ảnh: Kim Chi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here